Sinh viên K43 ngành GDQP&AN tham quan học tập thực tế miền Trung
Thanh xuân là những chuyến đi, có những chuyến đi đơn thuần là sự chuyển dịch cơ học “đi là đến”, nhưng có những chuyến đi không chỉ để đến, để biết mà còn để lại trong lòng mỗi người những dư âm khôn nguôi ! Chuyến đi ấy không đo lường độ ngắn dài, cũng chẳng thể lấy thời gian đi, bởi những gì đã trải nghiệm nơi đến của hành trình còn mãi lưu giữ trong lòng mỗi chúng ta những cung bậc cảm xúc, sự chuyển dịch tích cực trong tâm hồn và nhận thức về người về việc về chính bản thân mỗi cá nhân. Đó là chuyến đi thực tế Miền Trung - Một chuyến đi của cảm xúc - chuyến đi của sự đoàn kết, sự ấm áp tình đồng chí và chuyến đi của lòng nhiệt huyết.
Thực tế miền Trung là một nội dung học tập trong chương trình đào tạo của sinh viên chuyên nghành giáo dục quốc phòng và an ninh Trường ĐHSP Hà Nội 2, là chuyến đi dài ngày và luôn được mong đợi nhất của chúng tôi. Chuyến đi kéo dài 6 ngày 5 đêm và bắt đầu từ 5 giờ chiều ngày 6/4, dưới sự hướng dẫn của thầy giáo Trương Hùng Sơn - người “cha” thứ 2 của chúng tôi và bác hướng dẫn viên vô cùng vui tính và nhiệt tình đó là bác Nguyễn Thanh Thản. Chúng tôi đều rất háo hức bởi đa phần chưa ai được đặt chân vào miền Trung - mảnh đất thân thương đầy nắng và gió. Chuyến đi là một cơ hội tốt giúp chúng tôi được trải nghiệm, áp dụng những kiến thức, nghiệp vụ đã học trên giảng đường vào thực tế.
Đà Nẵng là điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến đi của chúng tôi. Đây quả thực là thành phố đáng sống nhất Việt Nam. Cầu Rồng uốn lượn ngang qua sông Hàn, bãi biển Mỹ Khê đẹp nhất hành tinh, Bà hill được mệnh danh là Pari thu nhỏ và vẻ đẹp lung linh của phố cổ Hội An. Đây quả thực là một xứ sở được trời đất ưu ái.
Tạm Biệt Đà Nẵng chúng tôi trở ra Huế. Khác với vẻ ồn ào sôi động của thành phố trẻ Đà Nẵng, Huế khoác lên mình một vẻ “ dịu dàng pha lẫn nét trầm tư”. Giọng ngọt ngào của chị hướng dẫn viên trong tà áo tím thơ mộng khiến chúng tôi say vào câu chuyện lịch sử ngàn đời về các vị vua triều Nguyễn. Các công trình Lăng tẩm, kinh thành chùa chiền ở Huế đã cho chúng tôi nhận thức sâu sắc hơn về sự tinh tế, bàn tay khéo léo và tài hoa của người thợ Việt khiến chúng tôi thêm yêu và tự hào về một quần thể di tích Cố đô - nơi được vinh danh di sản văn hóa thế giới.

Trên đường về Nghệ An cả đoàn chúng tôi dâng hương ở Thành cổ Quảng Trị. Tại đây qua lời kể của chị hướng dẫn viên chúng tôi như trở về những năm thắng kháng chiến hào hùng của dân tộc trong trận chiến 81 ngày đêm bảo vệ thành cổ, chúng tôi đã không kìm được cảm xúc. Qua Quảng Bình chúng tôi được viếng mộ đại tướng Võ Nguyên Giáp - một trong 10 vị tướng tài năng của thế giới. Thêm một lần nữa chúng tôi lại thấy thêm tự hào về tổ quốc mình, tự hào về lòng yêu nước của con người Việt Nam.
Ngày 11/4 là ngày cuối cùng của cuộc hành trình. Chúng tôi đã tới quê Bác. Đứng dưới mái nhà tranh đơn sơ, đi giữa một vùng quê thanh bình và nghe những câu chuyện về Bác qua lời kể truyền cảm của chị hướng dẫn viên chúng tôi đã hiểu thêm nhiều về Bác - một con người đáng kính dành trọn cuộc đời vì tổ quốc.

Người Việt có câu: “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”, chuyến đi miền Trung giúp chúng tôi hiểu biết nhiều thêm, dù chỉ là trải nghiệm ban đầu về vùng đất này. Phong cảnh và con người nơi đây đã tạo nên ấn tượng sâu sắc trong lòng chúng tôi. Chúng tôi được trải nghiệm một vùng đất có vể đẹp riêng biệt so với miền Bắc và miền Nam… chúng tôi sẽ mãi nhớ chuyến đi thú vị này.
Một số hình ảnh trong chuyến đi:
Đoàn viếng thăm khu di tích Ngã ba Đồng lộc
Dâng hoa khu di tích Thành cổ Quảng Trị
Dâng hoa, viếng thăm khu di tích quê Bác tại Làng Sen
Tác giả bài viết: Nguyễn Hồng Huệ - K43 GDQP&AN